Đánh giá đầu DVD android Ownice C800

ngochoangimsat

Administrator
ĐÁNH GIÁ ĐẦU DVD ANDROID C800 CÓ CHÍP XỬ LÝ ÂM THANH KỸ THUẬT SỐ DSP
Kể từ khi bước chân vào thị trường, đầu DVD ô tô chạy hệ điều hành Android đã có những bước phát triển rất đáng kể, từ một vài chiếc đầu android không có tên tuổi (thị trường vẫn quen gọi là đầu noname), cấu hình thấp và giá rẻ, chạy chậm và hay bị treo cho đến nay đã có sự góp mặt của rất nhiều chủng loại và nhãn hiệu khác nhau, trong đó có những loại cấu hình cao, chất lượng tốt và đặc biệt là có sự góp mặt của một số đầu DVD android tích hợp DSP (bộ xử lý tín hiệu số) cho người dùng có nhu cầu cao về âm nhạc. Các chức năng như gọi điện, dẫn đường,... đã được đánh giá ở hầu hết các bài viết về đầu android trước đây, do vậy trong bài viết này chỉ tập trung đánh giá và diễn tả chi tiết về điểm mới nổi bật của chức năng xử lý âm thanh DSP.
[Video giới thiệu các điểm nhấn một cách ngắn gọn, đầy đủ của đầu C800 như khởi động nhanh, nghe nhạc, dẫn đường, gọi điện bằng giọng nói, chỉnh âm thanh DSP,...]
[MEDIA]
VIDEO đánh giá thực thế đầu DVD DSP android C800


Hình 1. Giao diện phần mềm của bộ xử lý âm thanh trên đầu DVD android C800
Việc tích hợp chíp xử lý âm thanh DSP chuyên dụng (tương tự các hệ thống âm thanh cao cấp trong gia đình) đã mang đến một trải nghiệm âm thanh sống động trên xe ô tô. Tiếp tục loạt bài viết đánh giá đầu DVD android Carpad III (năm 2016), đầu DVD Android Ownice C500+ (năm 2017), trong bài viết này (đầu năm 2019) chúng ta sẽ cùng nhau xem xét và đánh giá chiếc đầu DVD android thế hệ mới Ownice C800, đây là một trong số các đầu android cao cấp đã được tích hợp bộ xử lý tín hiệu số - DSP. Ngoài đầu android C800, trên thị trường còn một số đầu khác cũng có chíp DSP rời như Blaupunkt hoặc một số đầu trung cấp có chíp DSP tích hợp bên trong mô đun Radio như MTCE Universal của Handstone hoặc Hotaudio (chíp NXP6688). Trong nội dung bài viết này sẽ đánh giá chi tiết từ cảm nhận bên ngoài, các tính năng nổi bật cũng như giải thích các thuật ngữ và cách điều chỉnh âm thanh trên giao diện phần mềm của bộ xử lý tín hiệu kỹ thuật số DSP của đầu DVD android C800 (các đầu có tích hợp DSP khác cũng điều chỉnh tương tự).
1. Một vài điểm nổi bật của đầu DVD android DSP C800
- Cấu hình cao: Chíp 8 nhân, RAM 4GB, ROM 32GB, Android 8.0


Hình 2. Cấu hình mạnh cho phép xử lý nhanh và mượt các nhiệm vụ
- Tích hợp chíp xử lý âm thanh “SigmaDSP 28-/56-Bit Audio Processor” nổi tiếng của hãng “Analog Devices” với hai bộ chuyển đổi Tương tự - Số (2 ADC) và bốn bộ chuyển đổi Số - Tương Tự (4 DAC). Cho ra 4 kênh âm thanh tương tự (Analog) và 8 kênh âm thanh kỹ thuật số (Digital). Ownice C800 có hai bản là DSP 6 kênh và DSP Pro 8 kênh, có các chức năng như:


Hình 3. Sơ đồ khối của bộ xử lý DSP trên đầu DVD android C800
+ Lọc tần kỹ thuật số (bộ lọc thông thấp, bộ lọc thông cao, bộ lọc thông dải, bộ lọc chặn dải,...), tạo ra từng dải tần âm thanh cho các loa tweeter, loa mid, loa treble, loa trầm và loa siêu trầm riêng biệt. Tìm hiểu thêm về các bộ lọc tần số âm thanh tại đây.
+ Cho phép chỉnh độ trễ từng loa đến vị trí người nghe, chỉnh âm lượng từng loa độc lập tương tự các hệ thống âm thanh chuyên nghiệp. Âm thanh tách bạch, rõ ràng, chi tiết, mạnh mẽ và sôi động. Có chế độ xuất / nhập các thông số cài đặt, khóa cài đặt bằng mật khẩu.


Hình 4. Chỉnh độ trễ từng loa tới vị trí người nghe
+ Cho phép chỉnh âm từ các nguồn phát USB, bộ nhớ trong và nghe nhạc online.
+ Tương thích với nhiều cấu hình loa và cách lắp đặt loa trên xe, bao gồm: các xe có hệ thống loa với bộ phân tần thụ động (lọc tiếng cho các loa tweeter, loa mid, loa trầm bằng tụ điện và cuộn cảm) hoặc các xe có hệ thống loa độc lập 2 đường [Two way] hoặc ba đường [Three way] (mỗi loa có đường dây riêng, không sử dụng bộ phân tần thụ động).
- Màn hình cảm ứng G+G cường lực có độ trong suốt hoàn hảo cùng LCD độ phân giải 1024x600 điểm ảnh (tiêu chuẩn của các đầu android auto hiện nay) với tầm nền IPS sáng cho hình ảnh sắc nét.


Hình 5. Kính cảm ứng cường lực G+G
- Tích hợp khả năng điều khiển giọng nói hoàn toàn bằng Tiếng Việt, giúp tương tác dễ dàng, thuận tiện các tác vụ như dẫn đường, mở nhạc,... nâng cao mức độ tiện nghi, tập trung và an toàn cho lái xe. Các chức năng điều khiển bằng giọng nói xem thêm tại đây.
- Tích hợp chức năng của khiển vô lăng A1, đối với các xe không cần CANBUS có thể cài đặt nút bấm vô lăng để bấm đơn, bấm đúp và bấm giữ. Gọi khiển giọng nói dễ dàng.
- Tích hợp đường vào camera trước, có thể sử dụng để lắp camera cập lề và mở dễ dàng bằng nút bấm vô lăng.
- Hiện thông số điện áp ắc quy trên màn hình DVD, giúp kiểm soát ắc quy nhanh chóng và thường xuyên.


Hình 5b. Chức năng giám sát điện áp ắc quy
- Tích hợp Apple Carplay, kết nối Iphone dễ dàng bằng cách kết nối Bluetooth tính năng CarPlay sẽ tự động kích hoạt.


Hình 6. Chức năng Apple Carplay cho Iphone
- Hỗ trợ khởi động tức thì khi bật khóa điện xe, điểm mạnh tương tự đầu DVD android Carpad III trước đây đã có bài đánh giá trên AutoFun. Đây là tính năng mà rất ít đầu DVD Android hiện nay đạt được.
[MEDIA] [/MEDIA]
Hình 7. VIDEO chức năng khởi động nhanh trên đầu C800
2. Đánh giá về thiết kế và ngoại hình
Đầu DVD android C800 có ngoại hình được thiết kế tinh tế theo form đầu Universal kiểu mới siêu mỏng tương tự đầu C500+ và một số đầu android khác trên thị trường hiện nay, xu hướng thiết kế này đã dần thay thế cho kiểu đầu universal vuông vức và có chiều dày lớn truyền thống.


Hình 8. Xu hướng thiết kế mỏng, tinh tế và sang trọng của đầu Universal thế hệ mới
Mặt sau của đầu C800 sử dụng vỏ nhôm đúc liền khối sang trọng và chắc chắn


Hình 9. Vỏ nhôm đúc nguyên khối chắc chắn và sang trọng



3. Sử dụng các chức năng của bộ xử lý âm thanh
Giao diện bộ xử lý âm thanh được thể hiện trong hình 10, trong đó gồm có 6 thẻ chính là Equalizer (Bộ chỉnh âm sắc); Delay (Chỉnh độ trễ); Volume (Chỉnh âm lượng cho từng loa); Effect (Chỉnh hiệu ứng âm thanh); Frequency (Chỉnh lọc tần số cho các loa) và Tuning (Điều chỉnh chế độ làm việc của DSP: PASSIVE; TWO WAY; THREE WAY). Tùy thuộc vào đặc điểm kỹ thuật của loa (loa toàn dải, loa siêu trầm, loa trầm, loa trung, loa bổng) và đặc điểm hiện trạng xe, cách lắp loa mà có những căn chỉnh cho phù hợp nhất.
3.1. Thẻ Equalizer (Bộ chỉnh âm)


Hình 10. Giao diện bộ chỉnh âm (Equalizer)
Bộ xử lý DSP đã tích hợp sẵn một số chế độ nghe nhạc thường dùng như: FLAT - VOICE - CUSTOM - ROCK - POP - JAZZ – CLASSIC, tại mục này chỉ cần bấm nút < hoặc > trên màn hình để chọn chế độ thiết lập sẵn. Nếu không muốn nghe theo chế độ đặt sẵn chúng ta có thể tự điều chỉnh âm bằng bộ xử lý DSP 15 dải băng tần (hình 10), trong đó các thanh gạt đặt ở vị trí giữa như hình 10 là không tăng giảm biên độ của âm thanh, khi kéo thanh gạt lên phía trên là tăng biên độ (độ lớn), kéo xuống dưới là giảm biên độ của âm thanh tại tần số đó. Tần số âm thanh tai người có thể nghe được nằm trong dải từ 20HZ đến 20KHz. Tùy nhu cầu cần tăng/giảm âm lượng của vùng tần số nào thì kéo thanh gạt tại vùng tương ứng.
Trong đó:
- Dải siêu trầm là các âm thanh có tần số nằm trong khoảng từ 20 ÷ 160 Hz (các tiếng rung động, đâm xe, bom nổ, tiếng phình phình của trống thường nằm trong dải tần này), dải trầm có tần số từ 160 ÷ 630Hz (các tiếng trống, tiếng súng đạn nổ,...);
- Dải trung tần từ 400 Hz ÷ 6,3KHz (các tiếng người nói, tiếng một số nhạc cụ,...);
- Dải cao tần từ 6,3KHz đến 20KHz (các tiếng kính vỡ, tiếng nước chảy, tiếng chim hót, tiếng lách tách, gió thổi, lá rơi,...)
Chi tiết hơn về các phổ âm tần tương ứng từng loại nhạc cụ xem thêm tại đây
3.2. Thẻ Delay (Chỉnh độ trễ)


Hình 11. Giao diện bộ chỉnh độ trễ (Delay) thủ công
Việc chỉnh độ trễ kết hợp chỉnh âm lượng từng loa (bật nút SYNC WITH VOLUME) tạo ra các hiệu ứng khá thú vị, ví dụ cho phép giả lập âm thanh 3D, những nhu cầu nghe nhạc như tạo cảm giác ca sĩ đứng trên taplo xe hát hoặc các hiệu ứng khác có thể được tạo ra từ thẻ này.
Khi không muốn tự cấu hình các tham số, chúng ta có thể chọn chế độ cài đặt tự động (hình 11b). Ở chế độ này cần nhập khoảng cách giữa hai loa trước và khoảng cách giữa loa trước với loa sau. Tiếp theo kéo con trỏ đến vị trí cần tái tạo âm thanh. Các thiết lập khác bộ xử lý DSP sẽ tự thực hiện.



Hình 11b. Giao diện bộ chỉnh độ trễ (Delay) tự động
Bản chất của việc tái tạo âm thanh 3D từ các loa là sự phối hợp nhịp nhàng giữa độ trễ và mức âm lượng từng loa tác động đến tai người nghe, từ đó tạo ra cảm giác âm thanh đó xa hay gần, cao hay thấp. Dựa trên nguyên tắc này các bộ DSP sẽ tái tạo được âm thanh mà nó muốn thể hiện. Chức năng này cũng có trên các điện thoại di động ngày nay, các phần mềm có thể tái tạo lại âm thanh lập thể chỉ bằng chiếc tai nghe bình thường.



Hình 12. Âm thanh 3D (Delay)
3.3. Thẻ Volume (Chỉnh âm lượng)


Hình 13. Giao diện bộ chỉnh độ trễ (Delay)
Các thanh gạt tương ứng từng cặp loa (Trái – Phải) của các loa trung tâm, loa trước, loa sau, loa siêu trầm đều có thể chỉnh âm lượng độc lập hoặc chỉnh đồng thời cả hai loa bằng cách gạt lên/xuống của các cọc tương ứng. Chúng ta cũng có thể tắt tiếng từng loa theo nhu cầu bằng cách tích vào nút MUTE của của đó. Khi muốn kéo thanh gạt của loa trái hoặc phải mà thanh gạt của loa còn lại cũng thay đổi theo thì tích vào nút “Chỉnh cả hai kênh” trên hình 13. Để khôi phục về mặc định có thể bấm nút RESET.
3.4. Thẻ Effect (Chỉnh hiệu ứng)


Hình 14. Giao diện bộ chỉnh hiệu ứng (Effect)
Trong thẻ hiệu ứng có 3 chức năng có thể bật/tắt bao gồm LOUDNESS (mức khuếch đại khi âm lượng thấp), PHAT (âm trường) và BASS (tiếng trầm). Để điều chỉnh các cột cần bật ON tại nút tương ứng bên dưới sau đó kéo các thanh gạt. Cần khôi phục mặc định bấm nút RESET. Khái niệm âm trường là một khái niệm mơ hồ, nó diễn tả cảm giác về không gian mà người nghe cảm nhận được mức độ xa gần về không gian của các nhạc cụ đến tai. Ví dụ, cảm giác đang ngồi nghe tiếng nhạc trong một không gian rộng như hội trường,....
3.5. Thẻ Tuning (Chỉnh chế độ làm việc của bộ DSP)




Hình 15. Giao diện chỉnh chế độ làm việc của DSP Tuning
Sau khi nhập mật khẩu 1260 bấm confirm để xác nhận vào chế độ căn chỉnh. Viền màn hình chuyển sang màu đỏ thể hiện DSP đang trong chế độ căn chỉnh, lúc này ta bấm vào thẻ Frequency (Tần số) để chuyển sang cài đặt loa và các bộ lọc tần số (xem mục 3.6 dưới đây).
3.6. Thẻ Frequency (Chỉnh bộ lọc tần số)
Việc chỉnh chế độ làm việc của bộ lọc tần và tần số cắt rất quan trọng và nó phụ thuộc vào cấu hình phần cứng của các loa lắp đặt trên xe, yêu cầu kỹ thuật với các loa đấu nối cũng khác nhau đối với từng cách cấu hình. Căn cứ vào tình hình thực tế cần điều chỉnh bộ lọc tần cho từng loa để đảm bảo toàn bộ dải âm thanh từ 20Hz đến 20KHz đều phải được thể hiện hết. Trong thẻ Frequency có 3 cách cấu hình cho các loa bao gồm:
* Passive:
Đây là cấu hình cho xe mà các loa có phân tần thụ động, phân tần có thể chỉ là một tụ điện hoặc cuộn cảm hoặc kết hợp cả hai, điểm dễ nhận biết là các loa này có số dây điện đi về DVD ít hơn 2 lần số loa. Nghĩa là bình thường mỗi loa sẽ phải có 2 dây điện về, tuy nhiên khi đấu vào mạch phân tần thụ động. Ví dụ loa tweeter được đấu qua tụ điện về loa cánh phía trước sau đó chúng đi chung nhau một đường dây về âm ly, khi đó 2 loa chỉ có 2 dây thay vì 4 dây. Theo cách mắc này xe cần tối thiểu 4 loa (2 cánh trước và 2 cánh sau) và có thể lắp tối đa là 8 loa (2 loa trung tâm, 4 loa cánh và 2 loa siêu trầm). Tùy thuộc số lượng loa thực tế có trên xe và dải tần đáp ứng của loa mà căn chỉnh bộ lọc cho phù hợp. Cách phân tần cho các loa xem tại Bảng 1.


Hình 16. Giao diện chỉnh bộ lọc tần chế độ Passive

* Two way: Đây là cấu hình cho các xe mà loa trầm và loa bổng độc lập nhau, không sử dụng bộ lọc thụ động, mỗi loa sử dụng một kênh riêng của âm ly. Theo cách mắc loa này, loa trước gồm 2 loa bổng (Front Tweeter) và 2 loa trầm (Front Woofer), 2 loa phía sau (Rear) và 2 loa SUB. Cách phân tần cho các loa xem tại Bảng 2.


Hình 17. Giao diện chỉnh bộ lọc tần chế độ Two way


* Three way: Đây là cấu hình cho các xe mà loa trầm, loa trung và loa bổng độc lập, không sử dụng bộ lọc thụ động, mỗi loa sử dụng một kênh riêng của âm ly. Theo cách mắc loa này, loa trước gồm 2 loa bổng (Front Tweeter), 2 loa trung (Front Mid) và 2 loa trầm (Front Woofer), 2 loa phía sau (Rear) và 2 loa SUB. Cách phân tần cho từng loa xem tại Bảng 3.


Hình 18. Giao diện chỉnh bộ lọc tần chế độ Three way



4. Cách lắp đầu DVD android C800 8 kênh trên các xe chỉ có 4 loa cánh
4.1. Trường hợp không lắp loa SUB
Cách lắp đặt và căn chỉnh theo mục 3 bên trên với các xe có âm ly rời 8 kênh và đủ loa hiển nhiên cho chất lượng âm thanh tốt nhất. Tuy nhiên phần lớn xe ô tô trên thị trường hiện nay tại Việt Nam chỉ có 4 loa cánh (loa toàn dải) hoặc 6 loa (4 loa cánh toàn dải và 2 loa tweeter mắc lọc thụ động bằng tụ điện song song với hai loa cánh trước). Với những xe này, đầu DVD android C800 có sẵn 4 đường công suất ra đấu thẳng với loa mà không cần qua âm ly rời, bộ DSP cho vận hành ở chế độ PASSIVE. Các lắp loa và phân tần như bảng 4.


4.2. Trường hợp có lắp loa SUB
Tương tự mục 4.1 nhưng với xe có lắp thêm loa siêu trầm (SUB) thì việc lắp đặt và lọc tần được thực hiện như bảng 5.

Xem thêm thông tin đầu DVD android DSP Ownice C800 tại đây
Đầu DVD Ownice C800 có thể lắp cho hầu hết các loại xe tại Việt Nam, chi tiết các loại xe có thể lắp đầu C800 xem thêm tại đây (do dùng chung dưỡng của đầu C500+)
 
Sửa lần cuối:
Top